Uyên Nguyên: Trời ạ, ‘niềm đau sờ thấy hồn vong tộc!’

Từ một nhà thơ lãng mạng, Cung Trầm Tưởng trở thành một nhà thơ hiện thực phẫn nộ nhất của thế hệ ông, đơn giản vì như ông nói: “Tôi tự nghĩ rằng, nếu không làm những vần thơ phẫn uất như vậy, tôi sẽ là một kẻ đạo đức giả.” – LitViet

Trời ạ, buổi đem thân trốn mọi con mắt rình rập an ninh áo vàng áo xanh. Ðêm úp tai sát vào máy cassette nghe ri rí ca khúc ‘Bên Ni Bên Nớ‘ của nhạc sĩ Phạm Duy, phổ từ bài thơ ‘Tương Phản’ của Cung Trầm Tưởng trời ạ, ôm mộng ngày ra biển chân chưa rời nửa bước mà lòng dạ dồn dã đau. Quê hương tạ từ đi, ngày mai ‘ăn mày’ nơi xứ lạ, có thật ‘xán lạn’!?

Tôi không biết chính xác ca khúc ấy được khơi nguồn cảm hứng trong hoàn cảnh đặc biệt nào giữa thời chia đôi đất nước, song vào buổi tôi nghe được, chợt nhận ra đôi chân đã lạc đất hoang đường, từ mấy cuộc biển dâu…
‘Niềm đau sờ thấy hồn vong tộc
Nham nháp trời và sần đất thô’
(Ðường lên giang nứa)

Trời ạ, ‘Tương Phản’ bấy giờ không phải khi đứng ở hai đầu của phương trời xa rộng Ðông-Tây mơ ảo chưa vói hết, mà hiện thực có trên quê hương bát ngát ngục tù. Thân phận của những bài thơ Cung Trầm Tưởng như nỗi lòng tác giả, vật vã trong bóng đêm của niềm cô đơn cùng cực. Nỗi sợ, sự buồn chán, lạc lõng trong xã hội đương thời và những năm lao tù sau đó.

‘Hoang liêu về chết tha ma
Tiếng chân gõ guốc người xa vắng người’
(Tương Phản)

Âm điệu của bài thơ bấy giờ dù có thơ mộng, trữ tình, nhưng hình tượng gợi lên tương phản một nỗi kinh hãi tột cùng. Có tiếng chó sủa oang, tiếng chân chạy rần rật, tiếng đập cửa dội thốc vào ngực, bóng người chập chờn tựa bóng ma, tai ương rập rình đổ dồn ‘in dài ngõ cụt,’ ‘của heo hút xứ khôn lường khổ đau!’

Mấy mươi năm sau, dù không sợ hãi và lén lút khi nghe lại ca khúc ấy như thuở Sàigòn lưu vong những năm 1980, và tấm thân nay đã thật sự ăn mày nơi tấc đất quê người mơ ngày xán lạn. Nhưng trong âm điệu reo rắc của bài hát, chợt thấy lại mình sau từng ngõ cụt, mới đó, mà đã trót mấy mươi năm sải bóng giang hồ. Trong thơ Cung Trầm Tưởng, có thật một nỗi cô liêu, sưng tấy, lúc đẩy mình đối diện: ‘Niềm đau sờ thấy hồn vong tộc…’

‘…Em có nghe mơ hồ,
bước ai thao thức
gõ nhịp hẹn hò
in dài ngõ cụt
bóng ai giang hồ?
Bên nớ bên ni đêm lạnh cả!

đồng mang nhớ đèo mong
hai tâm hồn giam kín…’
(Tương Phản)

Tháng 7, 2012


(Tuấn Khanh): Tập ebook tưởng niệm nhà thơ Cung Trầm Tưởng, với những bài thơ tuyệt đẹp của ông, mà nhiều vần thơ cũng trở thành những ca khúc lừng danh qua bàn tay của nhạc sĩ Phạm Duy.
Tập ebook có cuộc trò chuyện của Thụy Khê với nhà thơ Cung Trầm Tưởng và tiểu sử của ông, được tổng hợp như một tài liệu nhỏ tóm tắt về nhân vật văn hóa xuất chúng của miền Nam cũ.
Tập ebook được thiết kế cho hình thức pocket reader, thích hợp cho việc xem trên smartphone hay tablet, dễ dàng xem ở bất cứ đâu.

Download: Đọc để nhớ CUNG TRẦM TƯỞNG

Bài ngẫu nhiên

Bài mới